Khi nhắc tới phi công là nhắc đến sự nguy hiểm, vất vả và áp lực, một công việc chỉ phù hợp với đấng mày râu. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người phụ nữ sẵn sàng vượt qua tất cả để theo đuổi công việc đầy khó khăn này.
Sinh năm 1989, nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu hiện là nữ phi công trẻ nhất của Đoàn bay 919 – Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cô gái có dáng người khỏe khoắn, tóc cắt ngắn, chiếc răng khểnh duyên dáng mỗi khi cười kể mình đã bỏ ngang kế hoạch đi du học sau khi đọc qua một mẩu tin Vietnam Airlines tuyển phi công. Để có thể trở thành phi công, Châu đã phải trải qua những chuỗi ngày căng thẳng và rèn luyện ở các vòng kiểm tra thể lực, nhịp tim, huyết áp, bài thi trắc nghiệm phản xạ…. Sau đó, cô gái trẻ tiếp tục đi huấn luyện ở nước ngoài với hơn 200 giờ bay và hoàn thành một số bài thi để trở thành cơ phó.
Nữ cơ phó Nguyễn Thị Thanh Thủy – Cử nhân Kinh tế là nữ phi công đầu tiên của Việt Nam. Thủy kể, cơ duyên đến với nghề của cô rất tình cờ. Một lần đọc báo thấy Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) tuyển phi công nữ, tiêu chuẩn là cao từ 1m60 trở lên, cân nặng 48kg, có sức khỏe tốt, xét thấy từ trước đến giờ mình cũng ít ốm đau nên cô mang hồ sơ đi nộp, thi, rồi được chọn. Trải qua 5 vòng thi, gồm sơ tuyển lý lịch, khám sức khỏe tổng quát, phỏng vấn rồi khám sức khỏe chỉ tiết và thi Toán – Lý, cô gái Hà thành đã được VNA chính thức nhận và đưa vào Sài Gòn dự học khóa bay và trở thành 1 trong 2 cô gái được chọn sang Pháp đào tạo.
Gần 1 năm trước, trong lần thi tuyển vào hãng hàng không Vietjetair, cô gái 29 tuổi ,cao 1,75m với tác phong chuyên nghiệp, có khả năng nói 3 thứ tiếng đã gây ấn tượng. Cô đã vượt qua nhiều nữ ứng viên khác và trở thành nữ phi công duy nhất của hãng. Cô chính là Anna, nữ phi công xinh đẹp của Vietjetair. Sinh ra và lớn lên ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), Anna chia sẻ, được sống và làm việc ở Việt Nam cũng là một điều may mắn, và cô thấy hài lòng khi được thỏa giấc mơ bay trên dải đất hình chữ S này. Anna cho biết, cha cô là phi công nghiệp dư nên cô có nhiều cơ hội làm quen với máy bay khi còn rất trẻ. Trong một lần cùng ông bay thử với tàu lượn, cô đã đam mê với bầu trời.
Trần Trang Nhung sinh năm 1987, là cơ phó điều khiển Airbus 321 đầu tiên của Việt Nam. Cô được đào tạo bài bản tại Pháp và vừa trở về nước năm 2009. Mê làm phi công, cô gái Hà Nội một mặt vẫn nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa theo ý gia đình, một mặt vẫn dự tuyển làm phi công. Thế nhưng khi nhận được kết quả trúng tuyển của cả hai trường cùng lúc, Trang Nhung này đã quyết định đi theo tiếng gọi của đam mê.
Nguyễn Ly Hương – cô gái xinh đẹp sinh năm 1983, quê ở Lào Cai quyết định thử nộp hồ sơ khi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thông báo tuyển phi công nữ đã đưa Ly Hương sang một ngã rẽ khác. Nguyễn Ly Hương đã được nhận ngay vào Vietnam Airlines tại đội bay 919, lái máy bay ATR 72 và chuyên các chặng bay ngắn trong nước. Chuyên tuyến của cô là từ sân bay Tân Sơn Nhất đi đảo huyện Phú Quốc (Kiên Giang) với thời gian bay là 45 phút.
Nguyễn Phương Anh – nữ phi công 29 tuổi người Việt đầu tiên của hãng VietJetAir – nhớ như in thời điểm giáo viên hướng dẫn mở cửa nhảy ra khỏi buồng lái, để lại cho cô một khoang lái trống không với động cơ vẫn chạy. Cảm giác lần đầu tiên tự mình lái máy bay, rồi lúc cất, hạ cánh – thời điểm mỗi phi công biết mình không được phép mắc bất cứ lỗi nào… là cảm giác khó quên trong cuộc đời của cô. Sau bao thời gian luyện tập, rồi thực tập cùng với giáo viên bay, lần đầu tiên Phương Anh được lái máy bay thương mại Airbus 320.
Huỳnh Lý Đông Phương 25 tuổi, cao hơn 1,7m, dáng người mảnh mai với mái tóc dài và nụ cười rạng rỡ, thường khiến người đối diện ồ lên khi biết cô gái dịu dàng này là một phi công nhiều kinh nghiệm. Làm việc cho hãng hàng không Việt Nam Airlines 2 năm, Huỳnh Lý Đông Phương không ít lần khiến hành khách bất ngờ khi thấy cô trong khoang lái. Nhiều người còn đòi chụp ảnh với cô phi công xinh đẹp để làm kỷ niệm.
Nhật Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-22 04:25:33
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-bong-hong-ngao-du-tren-bau-troi-a153685.html